Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Cẩm nang cho người lao động trong mùa covid-19

Tạm nghỉ việc không hưởng lương

Như Luật Thiên Mã đã phân tích tại bài viết trước, Công ty có thể thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng với người lao động hoặc cho người lao động tạm ngừng hợp đồng lao động. Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012, khi người sử dụng lao động cho người lao động ngừng việc vẫn phải trả lương, tiền lương ngừng việc đối với trường hợp vì các nguyên nhân khách quan như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm… do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Điều 3 Nghị định 90 năm 2019 quy định mức lương tối thiểu theo từng vùng hiện nay như sau:

  • Vùng I: Mức 4.420.000 đồng/tháng;
  • Vùng II: Mức 3.920.000 đồng/tháng;
  • Vùng III: Mức 3.430.000 đồng/tháng;
  • Vùng IV: Mức 3.070.000 đồng/tháng.

Chấm dứt hợp đồng lao động

Hiện nay, có nhiều công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động do dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh. Theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012: “Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác (địch họa, dịch bệnh…) mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc”.

Có thể thấy, pháp luật hoàn toàn cho phép người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước một thời gian theo đúng quy định. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động 2012 quy định: “Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

  1. a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  2. b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
  3. c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng”

Ngoài ra, trong trường hợp này, người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được nhận trợ cấp thôi việc với mức trợ cấp mỗi năm làm việc bằng một nửa tháng lương

Chế độ bảo hiểm của người lao động

Khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động quy định trường hợp người lao động phải ngừng việc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Cũng theo khoản 8 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định: “Người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc”.

Như vậy, trường hợp người lao động đang nghỉ việc do phòng chống dịch bệnh Covid19 như hiện nay thì NSDLĐ vẫn phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho NLĐ theo mức tiền lương NLĐ được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Ngày 13/02/2020, Bảo hiễm xã hội Việt Nam ban hành Công văn 422/BHXH-CSXH đề xuất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đồng ý đối với những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ ốm đau trong thời gian cách ly.

Trên đây là một số chia sẻ của luật Thiên Mã biên soạn. Nếu bạn còn thắc mắc gì vui lòng gọi vào hotline 0977 523 155 hoặc mail: hanoi.luatthienma@gmail.com chúng tôi sẽ tư vấn miễn phí hoàn toàn cho bạn.

The post Cẩm nang cho người lao động trong mùa covid-19 appeared first on Luật Thiên Mã.

Nguồn: https://bit.ly/3bKsU0k

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét