Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Thuế Môn Bài Là Gì? Đối Tượng Và Mức Phí Nộp Thuế Môn Bài

Thuế môn bài là gì? Đối tượng nào phải nộp thuế môn bài? Đối tượng nào không phải nộp thuế môn bài? Mức thu lệ phí môn bài là bao nhiêu? Tất cả những vấn đề này sẽ được các chuyên viên Thiên Mã giải đáp.

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, là công cụ rất quan trọng để nhà nước can thiệp vào sự hoạt động của nền kinh tế nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Sau khi thành lập và được cấp mã số thuế, ngoài thuế môn bài thì tất cả doanh nghiệp đều phải nộp: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thuế môn bài là gì?

Thuế môn bài là một sắc thuế trực thu và thường là định ngạch đánh vào giấy phép kinh doanh (môn bài) của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Thuế môn bài được thu hàng năm. Mức thu phân theo bậc, dựa vào số vốn đăng ký hoặc doanh thu của năm kinh doanh kế trước hoặc giá trị gia tăng của năm kinh doanh kế trước tùy từng nước và từng địa phương.

Thuế trực thu: Là loại thuế mà cá nhân nộp thuế thu nhập về khoản tiền kiếm được do sức lao động, tiền cho thuê tài sản, tiền thu được từ cổ phiếu hay lãi suất. Các doanh nghiệp nộp thuế lợi tức được tính theo mức lợi nhuận có thể bị đánh thuế của họ sau khi đả trừ đi chi phí. Các doanh nghiệp cũng thay mặt cho những người làm công cho họ nộp tiền đóng góp vào bảo hiểm quốc gia.

Thuế gián thu: Là loại thuế đánh vào việc tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ. Nguồn thu nhập thuế gián thu quan trọng nhất là thuế giá trị gia tăng (VAT). Trên thực tế đó là thuế đánh vào hàng bán (khác với thuế tiêu thụ được thu vào điểm bán hàng cuối cùng, đối với người tiêu dùng thì VAT được thu ở những giai đọan khác nhau của quá trình sản xuất).

Thuế định ngạch: Là đánh một lượng cố định vào tất cả các đối tượng thu của sắc thuế.

Từ khái niệm trên, có thể hiểu đơn giản, thuế môn bài là loại thuế mà các doanh nghiệp phải nộp hàng năm cho nhà nước. Mức thuế này được dựa trên số vốn điều lệ được ghi  trên Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.

Tham khảo thêm thuế chuyển nhượng cổ phần là gì? Những loại thuế bạn cần phải nộp khi chuyển nhượng cổ phần.

Cơ sở pháp lý

  • Thông tư 166/2013/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài;
  • Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Đối tượng phải nộp thuế môn bài

Căn cứ Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, đối tượng phải nộp thuế môn bài là những tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể bao gồm:

  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
  • Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;
  • Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
  • Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;
  • Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh;
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức được nhắc ở phía trên;
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp miễn nộp thuế môn bài

Theo Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 302/2016/NĐ-CP, các trường hợp được miễn lệ phí môn bài gồm có:

  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
    Mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình được miễn lệ phí môn bài là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm kinh doanh cố định.
    Tùy theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực, ngành nghề mà cá nhân có thể tự xác định được kinh doanh thường xuyên hay không thường xuyên.

Địa điểm kinh doanh cố định là nơi các cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh như: xưởng sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu,địa điểm giao dịch, nhà kho, bến, bãi,…

Ngoài ra, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình không có địa điểm kinh doanh cố định bao gồm cả trường hợp cá nhân là xã viên hợp tác xã và hợp tác xã đã nộp lệ phí môn bài theo quy định đối với hợp tác xã; cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán đúng giá thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn; cá nhân hợp tác kinh doanh với tổ chức theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
  • Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
  • Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
  • Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.

Mức thu lệ phí môn bài

Đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ghi trong điều lệ hợp tác xã,  mức thu lệ phí môn bài được xác định theo bảng sau:

Vốn điều lệ / Vốn đầu tư Mức Thu Lệ Phí Môn Bài Bậc
> 10 tỷ đồng 3.000.000 đồng/ năm 1
<= 10 tỷ đồng 2.000.000 đồng/ năm 2
Chi nhánh, văn phòng đại diện,
địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp,
tổ chức kinh tế khác
1.000.000 đồng/năm 3

Lưu ý:

Thứ nhất: Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư để xác định mức thu lệ phí môn bài.

Thứ hai: Trường hợp các tổ chức nêu trên có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

Thứ ba: Trường hợp vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền đồng Việt Nam để làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi người nộp lệ phí môn bài mở tài khoản tại thời điểm người nộp lệ phí môn bài nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Đối vớicá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, mức thu lệ phí môn bài được xác định như sau:

Mức doanh thu Mức doanh thu Bậc
500 triệu đồng/ năm 1.000.000 đồng/ năm 1
Từ trên 300 triệu đồng đến
500 triệu đồng/ năm
500.000 đồng/ năm 2
Trên 100 đến 300 triệu đồng/năm 300.000 đồng/ năm 3

Lưu ý:

Thứ nhất: Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình tại khoản này là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Thứ hai: Trong trường hợp cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nêu trên có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

Thứ ba: Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra kinh doanh trong năm thì mức doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Thứ tư: Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Một số lưu ý khi đóng thuế môn bài

  • Nếu tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm: mức đóng thuế môn bài phải nộp là cả năm
  • Nếu tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng cuối năm: mức đóng thuế môn bài phải nộp là 50% mức cả năm ( ½ năm)
  • Nếu tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.
  • Nếu tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình đang sản xuất, kinh doanh và có thông báo gửi cơ quan thuế về việc tạm ngừng kinh doanh cả năm dương lịch thì không phải nộp lệ phí môn bài của năm tạm ngừng kinh doanh. Trường hợp tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch thì vẫn phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm.

 Thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài

Điều 5 Nghị định số 302/2016/NĐ-CP  quy định thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được quy định như sau:

Đối tượng Trường Hợp Thời Hạn Khai
Lệ Phí Môn Bài
Thời Hạn Nộp
Lệ Phí Môn Bài
Tổ Chức – Khai lệ phí môn bài một lần khi tổ chức mới ra hoạt động kinh doanh
– Cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh
– Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp GCN đăng ký kinh doanh
– Chậm nhất là 30/1 hàng năm.
– Trường hợp tổ chức mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thì chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài
Cá nhân, hộ gia đình – Nộp thuế theo phương pháp khoán
– Cho thuê bất động sản
– Không phải khai lệ phí môn bài
– Khai lệ phí môn bài một lần theo từng hợp đồng cho thuê bất động sản
– Chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm.
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra sản xuất, kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng có phát sinh nghĩa vụ khai thuế

Hồ sơ khai lệ phí môn bài và hình thức nộp

Hồ sơ khai lệ phí môn bài chính là Tờ khai lệ phí môn bài  theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP. Người nộp lệ phí môn bài nộp Hồ sơ khai lệ phí môn bài cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

  • Trường hợp người nộp lệ phí có đơn vị phụ thuộc kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh thì người nộp lệ phí thực hiện nộp Hồ sơ khai lệ phí môn bài của các đơn vị phụ thuộc đó cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của người nộp lệ phí;
  • Trường hợp người nộp lệ phí có đơn vị phụ thuộc kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh nơi người nộp lệ phí có trụ sở chính thì đơn vị phụ thuộc thực hiện nộp Hồ sơ khai lệ phí môn bài của đơn vị phụ thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị phụ thuộc.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành cho phép người nộp thuế thực hiện việc kê khai thuế môn bài trực tuyến.

Quy định xử phạt chậm nộp thuế môn bài và tờ khai thuế môn bài

Mức phạt chậm nộp tờ khai lệ phí môn bài

Điều 9 Thông tư 166/2013/TT-BTC quy định mức phạt với tổ chức, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân chậm nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài được tính theo thời gian chậm nộp.

Thời Gian Chậm Nộp Mức Phạt
Từ 01 ngày đến 05 ngày, có tình tiết giảm nhẹ Phạt cảnh cáo
Từ 01 ngày đến 10 ngày 400.000 đồng – 1.000.000 đồng
Từ trên 10 ngày đến 20 ngày 800.000 đồng – 2.000.000 đồng
Từ trên 20 ngày đến 30 ngày 1.200.000 đồng – 3.000.000 đồng
Từ trên 30 ngày đến 40 ngày 1.600.000 đồng – 4.000.000 đồng
Từ trên 40 ngày đến 90 ngày 2.000.000 đồng – 5.000.000 đồng

Như vậy, căn cứ vào thời gian chậm nộp mà mức phạt sẽ khác nhau. Số ngày chậm nộp tính từ thời điểm hết hạn nộp Tờ khai lệ phí.

Ví dụ: Công ty A thành lập vào ngày 03/07/2019. Hạn chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng, tức là ngày 31/07/2019. Vậy, thời điểm tính ngày chậm nộp tờ khai lệ phí sẽ tính từ ngày 01/08/2019.

Mức phạt chậm nộp lệ phí môn bài

Theo Thông tư 130/2016/TT-BTC thì tiền chậm nộp được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Cụ thể công thức tính như sau:

Số tiền phạt phải nộp = Số tiền thuế chậm nộp x 0,03% x Số ngày chậm nộp

Lưu ý: Số ngày chậm nộp tiền thuế (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) được tính từ ngày liền kề sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế, thời hạn nộp thuế ghi trong thông báo hoặc quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế của cơ quan thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến ngày người nộp thuế nộp số tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Ví dụ: Người nộp thuế B phải đóng thuế môn bài là 30.000.000 đồng. Hạn nộp thuế là ngày 05/07/2019. Tuy nhiên, đến ngày 11/07/2019, người nộp thuế B mới nộp số tiền trên vào ngân sách nhà nước. Số ngày chậm nộp là 06 ngày, tính từ ngày 06/07/2019 đến 11/07/2019.

Vậy, số tiền phạt mà người nộp thuế B phải nộp là 30.000.000 x 0,03% x 6 = 5.400.000 đồng.

Hi vọng rằng, những kiến thức về thuế môn bài mà các Chuyên Viên tại Công Ty Luật Thiên Mã cung cấp sẽ hữu ích cho bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm.

The post Thuế Môn Bài Là Gì? Đối Tượng Và Mức Phí Nộp Thuế Môn Bài appeared first on Luật Thiên Mã.

Nguồn: http://bit.ly/2JmJisr

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét